Giới thiệu bộ môn Quản lý đất đai (DEPARTMENT OF LAND MANAGEMENT)(03/09/2021)546


GIỚI THIỆU BỘ MÔN QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

 

I. GIỚI THIỆU BỘ MÔN

Bộ môn Quản lý đất đai được ra đời từ năm 2006, với nhiệm vụ chính là quản lý về mặt chuyên môn đối với chương trình đào tạo ngành Quản lý đất đai của trường Đại học Đồng Tháp. Giai đoạn từ 2006 đến 2012, Bộ môn Quản lý đất đai trực thuộc Khoa Địa lý. Năm 2013, theo Quyết định của Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp về tổ chức cơ cấu bộ máy trong nhiệm kỳ Hiệu trưởng 2012 – 2017, Bộ môn Quản lý đất đai được chuyển về Khoa Tài nguyên và Môi trường. Từ 2017 đến tháng 11 năm 2020, Bộ môn Quản lý đất đai được sát nhập dưới sự quản lý của Khoa Kỹ thuật - Công nghệ và từ tháng 11 năm 2020 Bộ môn Quản lý đất đai hoạt động dưới sự chỉ đạo của Khoa Nông nghiệp và Tài nguyên môi trường theo đề án cơ cấu tổ chức bộ máy các đơn vị thuộc và trực thuộc Trường Đại học Đồng Tháp, giai đoạn 2020 – 2023. Đây là một sự kiện quan trọng, mang tính bước ngoặt, đánh dấu sự phát triển lớn mạnh trong đào tạo và nghiên cứu của ngành Quản lý đất đai nói riêng và lĩnh vực Tài nguyên Môi trường nói chung ở Trường Đại học Đồng Tháp.

Chức năng chính của Bộ môn là tham gia quản lý và phân công giảng dạy các môn học trong chương trình đào tạo ngành Quản lý đất đai trình độ đại học. Đồng thời, để nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy của giảng viên, Bộ môn tham gia quản lý và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học; tổ chức biên soạn giáo trình, bài giảng; sinh hoạt học thuật Bộ môn và hợp tác với các đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường ở trong và ngoài tỉnh hoặc quốc gia.

Về nhân sự, hiện tại Bộ môn Quản lý đất đai có tổng cộng 07 viên chức, giảng viên. Về trình độ, Bộ môn hiện có 01 tiến sĩ, 02 nghiên cứu sinh (trong đó có 01 nghiên cứu sinh đang học ở Cộng Hòa Liên ban Đức), 03 thạc sĩ, Cụ thể:

TS. Nguyễn Thị Phương 

ThS. Nguyễn Hữu Long

ThS. Phạm Thế Hùng 

ThS. La Văn Hùng Minh

TS. Ngô Thạch Thảo Ly

ThS. NCS. Nguyễn Hồ

Cơ sở vật chất của Bộ môn để phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học bao gồm: các thiết bị dùng trong trắc địa (máy toàn đạc điện tử, máy thủy bình số và thủy bình điện tử, máy kinh vĩ điện tử, máy GPS dùng ăng-ten rời để đo tĩnh, máy GPS cầm tay,...), các thiết bị phục vụ thí nghiệm về chất lượng môi trường đất (tủ sấy mẫu, cân điện tử, khoan lấy mẫu đất, ring,...), kính lập thể dùng để điều vẽ ảnh lập thể. Ngoài ra, nhà trường còn hỗ trợ Bộ môn các phòng thực hành máy tính ở dãy B4 có cài đặt các phần mềm phục vụ giảng dạy các môn học chuyên ngành như: Microstation, AutoCAD, ViLIS, ArcGIS, MapInfo,...

 

II. GIỚI THIỆU CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO

Tại Trường Đại học Đồng Tháp, ngành Quản lý đất đai đã bắt đầu đào tạo hệ chính quy từ năm 2006 và hệ vừa làm vừa học từ năm 2007. Trãi qua hơn 15 năm đào tạo với qui mô tuyển sinh cả nước, hiện nay, ngành đã đào tạo được hơn 1500 kỹ sư Quản lý đất đai hệ chính quy và hệ vừa làm vừa học. Đội ngũ cựu sinh viên ngành Quản lý đất đai tại Trường Đại học Đồng Tháp hiện đang giữ nhiều chức vụ lãnh đạo đa lĩnh vực ở nhiều địa phương khác nhau. Điều đó đã khẳng định được chất lượng đào tạo kỹ sư ngành Quản lý đất đai của Trường Đại học Đồng Tháp đã đáp ứng được nhu cầu thực tiễn nghề nghiệp và đã khẳng định được vị thế lớn mạnh của mình không những trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà còn lan rộng ra cả nước. 

Với đội ngũ cán bộ giảng viên tâm huyết, thân thiện, chuyên môn cao và được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, cùng với cơ sở vật chất hiện đại sẽ ngày càng nậng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu phát triển ngành; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn kết với sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và khu vực.

Hiện nay, ngành Quản lý đất đai được đào tạo theo 4 nhóm chuyên ngành sâu - hỗ trợ cho sinh viên và học viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội tìm kiếm được việc làm đa lĩnh vực, bao gồm:

1.Lĩnh vực pháp luật đất đai, tài chính về đất đai và bất động sản
  • Sinh viên và học viên được thực tập và trải nghiệm môi trường làm việc tại bộ phận “Tiếp nhận và Trả kết quả” để tiếp nhận và giải quyết hồ sơ liên quan đến đất đai; được tập huấn công tác tiếp công dân và giải đáp vấn đề thắc mắc liên quan đến thủ tục hành chính trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai;
  • Người học được thực tập công tác giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án; Thanh tra tỉnh/huyện; sở/phòng Tư pháp;
  • Người học được hướng dẫn công tác tài chính về đất đai, định giá tài sản và thực tập tại các Sàn giao dịch Bất động sản và hệ thống ngân hàng. 

 

2.Lĩnh vực Đo đạc - Công nghệ thành lập Bản đồ
  • Sinh viên và học viên được đào tạo sử dụng thành thạo các thiết bị phục vụ công tác đo vẽ thành lập bản đồ như: máy kinh vĩ, máy thủy chuẩn điện tử, máy đo xa, máy toàn đạc điện tử, máy định vị cầm tay, hệ thống định vị vệ tinh GNSS, và các thiết bị chuyên ngành khác; 
  • Ngoài ra, người học còn được tập huấn sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên ngành trong biên tập bản đồ và lưu trữ, quản lý thông tin đất đai như: MapInfo; Auto-Cad; Microstation; ViLIS; ELIS; ArcGIS, QGIS và các phần mềm hỗ trợ khác.
3.Lĩnh vực liên quan công tác Quy hoạch
  • Sinh viên và học viên được trang bị kiến thức và thực hành ứng dụng công tác lập dự án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai các cấp và quy hoạch liên ngành tại các Ban quản lý dự án; 
  • Người học được thực tập công tác lập dự án điều tra, khảo sát xây dựng bảng giá đất; quy trình tổng hợp, xử lý số liệu và trình bày báo cáo Quy hoạch dự án; 
  • Ngoài ra, người học còn được hỗ trợ thực hành công tác Lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất;
4.Lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường đất 
  • Sinh viên và học viên được thực hành ứng dụng trong công tác quan trắc môi trường đất, giám sát ô nhiễm, thoái hóa đất;
  • Người học được thực hành công thức sử dụng phân bón hóa học và sản xuất phân bón hữu cơ;
  • Bên cạnh đó, người học còn được tham gia trong công tác đánh giá tác động môi trường, tác động của thay đổi sử dụng đất và thống kê đánh giá chất lượng đất đai.
III. Định hướng vị trí việc làm của người học sau khi tốt nghiệp

Người học sau khi tốt nghiệp kỹ sư ngành Quản lý đất đai có thể đảm nhận tốt các vị trí và cơ quan sau:

  • Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ;
  • Tổng cục Quản lý đất đai, Viện Nghiên cứu Quản lý đất đai, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, Viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp, Viện Nông hóa thổ nhưỡng, Hội Trắc địa bản đồ Việt Nam; Hội Khoa học đất; Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn;
  • Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Xây dựng các tỉnh/thành phố; 
  • Chi cục Quản lý đất đai, Văn phòng đăng ký đất đai, Ban quản lý dự án và Phát triển quỹ đất, Trung tâm phát triển quỹ đất, Trung tâm kỹ thuật tài nguyên và môi trường, Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường; Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao;
  • Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị các quận/huyện, thị xã;
  • Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn; trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị;
  • Cán bộ Địa chính – Xây dựng, Thanh tra xây dựng tại các xã, phường, thị trấn;
  • Các công ty hoạt động trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, các công ty đo đạc thành lập bản đồ; công ty tư vấn thiết kế xây dựng;
  • Các công ty tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 
  • Các công ty thẩm định giá; sàn giao dịch bất động sản;
  • Hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác;
  • Giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng hoặc chuyên viên tại các trung tâm, viện nghiên cứu trên khắp cả nước.
IV. Định hướng phát triển chuyên môn sau tốt nghiệp

Kỹ sư tốt nghiệp ngành Quản lý đất đai có thể dễ dàng tiếp tục học tập nâng cao chuyên môn và trình độ ở các bậc học thuộc các lĩnh vực và chuyên ngành sau:

- Thạc sĩ Quản lý đất đai;

- Thạc sĩ Quản lý Tài nguyên thiên nhiên;

- Thạc sĩ Biến đổi khí hậu và quản lý đồng bằng;

- Thạc sĩ Khoa học đất;

- Thạc sĩ Kỹ thuật trắc địa bản đồ, Bản đồ – Viễn thám và GIS;

- Tiến sĩ Quản lý đất đai;

- Tiến sĩ Quản lý Tài nguyên thiên nhiên;

- Tiến sĩ Khoa học đất;

- Tiến sĩ Kỹ thuật trắc địa bản đồ, Bản đồ – Viễn thám và GIS

Tin tức liên quan